Chuyên ngành đào tạo
Sự kiện hot
Tin nổi bật
Tin tức
Sẽ ra sao nếu như Bác sĩ, cô giáo tương lai là "Thủ khoa gian dối?"
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, những thí sinh được nâng điểm thi không nên vào ngành Sư phạm. Nếu đã gian dối đồng nghĩa việc việc họ không đủ tư cách để nuôi dạy trẻ.
“Lúc nghe em nói đến từ Hòa Bình, một số bạn cũng thốt lên ‘cậu ở Hòa Bình á’. Ngay ở những buổi đầu tiên nhập trường, học tuần công dân, lúc nghe các bạn ngồi phía sau bàn tán ‘thủ khoa Hòa Bình’, em đã đến và nói thẳng, trực tiếp với các bạn là điểm số đó do bản thân em tự làm được, chứ không phải bằng tác động nào hết. Và em tự tin, tự hào về điều đó”.
“Bản thân em tự tin rằng đó là điểm số thực của mình để có thể đứng nơi đây nhận phần thưởng thủ khoa của trường. Em cũng mong sớm làm rõ vụ tiêu cực sớm có kết quả cuối cùng để những người học thật, thi thật được đối xử công bằng”.
Đây là một đoạn chia sẻ của Thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội T.P.T đăng trên các trang mạng xã hội vào hồi đầu tháng 9/2018 và cũng được nhiều diễn đàn khác nhau chia sẻ, sau khi nữ sinh này viết đơn xin thôi học vì được nâng 14.85 điểm đối với 4 môn thi khác nhau. Riêng đối với môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, nữ sinh Hòa Bình được nâng lên đến 6.25 điểm.
Chủ tài khoản Mạng xã hội Nguyễn Hải Thành có đặt câu hỏi: “Tại sao bạn ấy có thể ‘tự tin chém gió’ đến như vậy khi được tuyên dương là thủ khoa của khoa Ngữ văn và ĐH Sư phạm nhỉ? Nền giáo dục nước nhà sẽ ra sao khi những thầy cô giáo tương lai vào nghề nhờ gian lận thi cử?”.
Khi những bác sĩ, cô giáo tương lai trúng tuyển chỉ vì nâng điểm
Một trong những trường hợp khác đỗ thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự đang được Bộ Quốc phòng xem xét. Trước khi danh sách 44 thí sinh liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La được công bố, sinh viên M.V.T. có điểm thi cao nhất của Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Cũng tương tự như nhiều sinh viên khác đến từ Sơn La, Hòa Bình trúng tuyển vào những trường Công an, được xác định liên quan gian lận điểm thi Đại học. Theo đó, Bộ Công an đã trả 28 thí sinh về địa phương để xử lý theo quy định.
Trong khi đó, thí sinh V.H.L đỗ ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội với điểm cao chót vót (28.4 điểm), xếp thứ 3 so với toàn trường. Sau khi vụ gian lận điểm thi được làm rõ, sinh viên này bị buộc thôi học, vì được tăng khống lên đến 15.3 điểm.
“Nếu các em chưa làm người đàng hoàng, thì đừng làm nhà giáo. Em nào định gian dối hãy bước ra khỏi phòng thi”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, nói như vậy trước hàng loạt thủ khoa, thí sinh đỗ điểm cao vào các trường “HOT” nhờ nâng điểm.
Nếu vụ tiêu cực lớn nhất nhì trong ngành Giáo dục trừ trước đến nay không bị phát hiện, rất nhiều ‘Thủ khoa gian dối” đương nhiên được tôn vinh ở những giảng đường Đại học.
Nền Giáo dục nhà nước sẽ như thế nào khi sinh viên ngành Sư phạm bắt đầu sự nghiệp bằng gian lận? Sau khi ra trường, thầy, cô giáo đó sẽ dạy học sinh một trong các bài học đầu tiên và quan trọng của cuộc đời - Sự trung thực, tử tế - như thế nào? Giáo viên sẽ là tấm gương gì cho thế hệ sau soi rọi?
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Chiến lược Bộ Công An từng chia sẻ trên trang mạng xã hội: Thí sinh sửa điểm thi để vào ngành Công an, Quân đội sẽ cực kỳ nguy hiểm. Bởi, sinh viên ra trường là Sĩ quan, hoạt động gắn liền sinh mệnh chính trị của Đảng & Nhà nước, gắn liền đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, ông Cương nhấn mạnh: “Ngoài ra, thí sinh chạy vào ngành sư phạm sẽ tạo ra một thế hệ học sinh lừa dối, vào ngành bác sĩ với trình độ yếu liên quan trực tiếp sinh mệnh con người”.
Lớp trẻ sẽ thế nào khi “Khởi nghiệp” nhờ gian lận?
Tài khoản Hoa Nguyễn có viết: “Đời sinh viên đánh dấu một trong những mốc quan trọng của bạn trẻ. Nó có thể xem là khởi đầu nghề nghiệp của mỗi con người. Tương lai bạn trẻ sẽ ra sao khi họ khởi nghiệp bằng gian lận, chứ không phải nỗ lực của bản thân. Một giả thuyết dễ thấy là họ sẵn sàng ‘ngựa quen đường cũ’, tìm cách tiêu cực để đạt được mục tiêu, thay vì cố gắng phấn đấu”.
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, thí sinh chấp nhận gian lận là không coi trọng các giá trị đạo đức. Khi đó, họ dễ “tặc lưỡi” làm các điều xấu với suy nghĩ: “Ai cũng như vậy, hoàn cảnh bắt buộc như vậy, chứ không phải mình muốn như vậy”.
Từ sự “tặc lưỡi” lần này, sinh viên dễ dàng có những hành động xấu khác. Đến một lúc nào đó, họ bị trừng phạt mà không hiểu lý do tại vì sao, thậm chí mình oan ức theo lối tư duy bao biện: “Đen thôi, đỏ quên đi”.
Nữ Tiến sĩ cho rằng các thí sinh này nên học lại, thi lại và những suy nghĩ nghiêm túc hơn về cuộc sống của họ. Bài học nào trong cuộc sống cũng có giá trị nếu sinh viên nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân. Cuộc sống sẽ thật khó khăn nếu như bạn trẻ chỉ đi đường tắt, luôn muốn tất cả những sự ưu tiên sẽ dành cho mình.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - Giáo viên Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Nếu như những giá trị tốt đẹp bị mất đi, khi đó còn ai dám tin tưởng giao con cho chúng ta dạy dỗ nữa? Là Công an, nếu ngay từ đầu vi phạm Pháp luật, ai tuân theo? Là bác sĩ, ai dám giao tính mạng cho chúng ta điều trị bệnh nữa?
Nguồn: Báo mới