Chuyên ngành đào tạo
Sự kiện hot
Tin nổi bật
Tin tức
Các trường hợp giáo viên được và không được phép dạy thêm theo Thông tư 29
Thông tư 29 quy định rõ ràng về việc tổ chức dạy thêm, nhằm đảm bảo quyền lợi và chất lượng học tập của học sinh, đồng thời ngăn chặn tình trạng lạm dụng dạy thêm không đúng mục đích. Giáo viên cần nắm rõ các trường hợp được phép và không được phép dạy thêm để tuân thủ quy định, tránh vi phạm và đảm bảo đạo đức nghề nghiệp.
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025 với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Dưới đây là những trường hợp được phép dạy thêm và không được phép dạy thêm theo quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.
Các trường hợp được phép dạy thêm theo Thông tư 29
>>>> Xem ngay: Phương pháp đào tạo các trường ĐH để sinh viên không quá tải với ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên
Đối với giáo viên tiểu học chỉ được dạy thêm các nội dung: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
Đối với giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, việc dạy thêm trong nhà trường, giáo viên có thể tham gia dạy thêm tại nhà trường nếu nhà trường có tổ chức, tuy nhiên hoạt động dạy thêm tại nhà trường kể từ ngày 14/02/2025 không thu tiền học sinh và chỉ được dạy 3 đối tượng gồm:
- Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
- Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
- Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Việc dạy thêm trong nhà trường phải đảm bảo quy định tại Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, lưu ý mỗi môn không được dạy quá 2 tiết/tuần.
Việc Thông tư 29 quy định việc dạy thêm trong nhà trường không thu phí và chỉ dành cho 3 đối tượng nêu trên được đánh giá rất nhân văn, tất cả vì người học, việc dạy thêm cho học sinh chưa đạt, học sinh giỏi hay ôn tuyển cuối cấp không thu tiền để tăng trách nhiệm cho giáo viên và nhà trường, không nhằm tổ chức dạy thêm trong nhà trường để thu phí, tiến đến hoạt động dạy học chính khóa, dạy thêm đều được miễn phí.
Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên được phép dạy tại các trung tâm, cơ sở kinh doanh dạy thêm được cấp phép.
Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật. Công khai các môn học tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Người dạy thêm ngoài nhà trường phải đảm bảo có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Do đó, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của các đơn vị sự nghiệp công lập nếu muốn tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự chấp thuận của Hiệu trưởng, Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Thông tư 29 thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý hoạt động dạy thêm. Theo đó, giáo viên vẫn được phép dạy thêm nhưng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực và kiểm soát tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, vốn gây nhiều bức xúc trong thời gian qua.
Các trường hợp không được dạy thêm theo Thông tư 29
>>>> Xem ngay: Nếu bỏ xét tuyển sớm thì các kỳ thi ĐGNL, ĐGTD, V-SAT bị ảnh hưởng như thế nào?
Tại Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm:
- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Như vậy, kể từ 14/02, giáo viên tiểu học sẽ không được tổ chức và dạy thêm đối với học sinh tiểu học trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống và không được dạy thêm đối với học sinh học chính khóa.
Điều 3, Thông tư 29 quy định, dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Nội dung dạy thêm, học thêm không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội. Không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm.
Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh; tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
Đối với dạy thêm trong nhà trường, không được thu tiền dạy học và không được dạy học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức Đạt, Khá, Tốt (trừ trường hợp bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn tuyển sinh lớp cuối cấp như ôn tuyển sinh 10, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Quy định này giúp giảm bớt tình trạng học thêm quá mức, giảm áp lực cho học sinh, đồng thời tạo điều kiện để các em có thêm thời gian tự học và trải nghiệm, phù hợp với tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học.
Đối với dạy thêm ngoài nhà trường không được dạy thêm với các trường hợp như sau:
- Không được dạy thêm với học sinh chính khóa;
- Không được dạy nếu dạy ở nơi không được cấp phép kinh doanh dạy thêm (trung tâm, cơ sở kinh doanh dạy thêm);
- Không được dạy và tổ chức dạy thêm nếu không công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 6 gồm: Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm;
- Không được dạy thêm nếu giáo viên không có phẩm chất đạo đức tốt; không có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm. Việc này dựa vào năng lực do thủ trưởng đơn vị đánh giá, không vi phạm dạy thêm, học thêm,…;
- Không được dạy thêm nếu không báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Nếu giáo viên không khai báo hoặc khai báo gian dối, không đầy đủ thì tùy theo hình thức sẽ bị xử lý từ tước giấy phép dạy thêm đến xử lý kỷ luật.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã quy định chi tiết và rõ ràng về các trường hợp giáo viên được phép và không được phép dạy thêm, phù hợp với thực trạng giáo dục hiện nay. Đây là nỗ lực lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn những tiêu cực liên quan đến hoạt động dạy thêm.
Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp
Tin tức liên quan
![Phương pháp đào tạo các trường ĐH để sinh viên không quá tải với ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên](https://caodangyduocsaigon.vn/timthumb.php?src=https://caodangyduocsaigon.vn/images/contents/thumbnail-phuong-phap-dao-tao-cac-truong-dh-de-sinh-vien-khong-cam-thay-qua-tai-voi-nganh-su-pham-khoa-hoc-tu-nhien-1737605788.1 Phuong-phap-dao-tao-cac-truong-dh-de-sinh-vien-khong-cam-thay-qua-tai-voi-nganh-su-pham-khoa-hoc-tu-nhien8.jpg&h=350&w=350)
Phương pháp đào tạo các trường ĐH để sinh viên không quá tải với ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên
![Gần 14.000 thí sinh tham gia kỳ thi Đánh giá tư duy đợt 1 năm 2025](https://caodangyduocsaigon.vn/timthumb.php?src=https://caodangyduocsaigon.vn/images/contents/thumbnail-gan-14000-thi-sinh-tham-gia-ky-thi-danh-gia-tu-duy-dot-1-nam-2025-1737520541.1 Gan-14000-thi-sinh-tham-gia-ky-thi-danh-gia-tu-duy-dot-1-nam-20253.jpg&h=350&w=350)