Chuyên ngành đào tạo
Sự kiện hot
Tin nổi bật
Tin tức
Giáo viên mong dạy thêm tại nhà được hợp pháp
Theo khảo sát của Đại học Quốc gia TP HCM trong số 12.500 giáo viên có hơn 63% muốn được hợp pháp việc dạy thêm ở nhà để giáo viên có thể tăng thu nhập chính đáng, trang trải cuộc sống.
Giáo viên mong dạy thêm tại nhà được hợp pháp
Viện trưởng Phát triển chính sách, Đại học Quốc gia TP HCM, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình đã báo cáo kết quả nghiên cứu về đời sống giáo viên mầm non và phổ thông khu vực Nam Bộ, thực nghiệm tại ba tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang vào ngày 18/11. Báo cáo thuộc đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia TP HCM, được thực hiện trong tháng 9 và 10.
Ông cho biết trong khảo sát hơn 12.500 giáo viên, thầy cô dạy thêm trong trường là 25,4%, 8,2% dạy ngoài trường. Toán, Văn, Tiếng Anh, Lý, Hóa học là các môn học sinh lựa chọn học thêm nhiều nhất. Trung bình 8,6 giờ một tuần đối với giáo viên tiểu học dạy thêm, giáo viên THCS là 13,75 giờ và giáo viên THPT là 14,91 giờ.
Các thầy cô dạy thêm với nhiều hình thức khác nhau như: Dạy ở trường, tại nhà hoặc trung tâm, dạy online và trên các kho dữ liệu học tập mở.
"Tại trường chủ yếu là các hoạt động dạy phụ đạo, tăng tiết, ôn thi tốt nghiệp với sự thống nhất của trường và phụ huynh. Dạy thêm tại trung tâm chủ yếu rơi vào nhóm giáo viên môn ngoại ngữ. Ngoài ra, giáo viên còn dạy thêm trực tiếp hoặc online tại nhà, dù việc này vẫn đang bị cấm", trích báo cáo.
130 giáo viên và cán bộ quản lý được phỏng vấn cho biết hầu hết các thầy cô đều cho thấy nhu cầu học thêm và dạy thêm là chính đáng. Rất nhiều phụ huynh muốn cải thiện thành tích học tập của con em mình hay không kịp đón con lúc giờ tan trường nên muốn con được học thêm thầy cô.
Ngoài ra cũng có nhiều thầy cô hỏi rằng, các ngành khác được làm thêm để có thêm thu nhập, tại sao ngành Giáo dục lại không được dạy thêm? Giáo viên bên ngoài có thể mở lớp dạy thêm còn giáo viên đang dạy tại trường lại không thể mở lớp? Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép. Ngoài ra theo luật, công chức, viên chức không tổ chức kinh doanh, trong đó có giáo viên.
Hiện nay, về vấn đề này, Bộ đang xây dựng dự thảo mới. Các thủ tục hình thức, chẳng hạn như yêu cầu xin phép hiệu trưởng để dạy học sinh của mình dự kiến sẽ được loại bỏ. Thầy cô có thể thực hiện việc dạy thêm nhưng cần lập danh sách các em học sinh có nhu cầu theo học, cam kết không bắt buộc các em phải học dưới mọi hình thức để báo cáo hiệu trưởng. Đặc biệt, giáo viên tuyệt đối không được sử dụng các bài học khi học thêm để cho vào các bài kiểm tra, đánh giá trên lớp.
Trong nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP HCM, số lượng giáo viên bày tỏ được hợp pháp việc dạy thêm bao gồm ở nhà và online lên tới hơn 63%. Theo thầy cô, việc này là chính đáng và giúp thầy cô đảm bảo được chi tiêu trong gia đình. Hiện nay, mức lương cơ sở đã được tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng vào 1/7/2024. Thế nhưng, khi vật giá leo thang mức thu của nghề giáo chỉ đủ chi trả cho hơn một nửa nhu cầu của gia đình.
Một vấn đề khác cũng được thầy cô nhắc đến chính là việc dạy học “chui” tại nhà. Họ đã làm tổn hại nghiêm trọng tới hình hình ảnh của nhà giáo trong mắt xã hội. Thế nhưng, tất cả những giáo viên này đều chia sẻ chỉ vì gánh nặng tài chính nên buộc họ phải làm thế. Ngay cả hiệu trưởng ở một số nơi trong cuộc phỏng vấn sâu, thầy cô cũng nói rằng “ngó lơ”, trừ khi bị phụ huynh phản ánh bởi họ biết sâu xa vấn đề là gì.
Vì vậy, để giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt học sinh và xã hội thì việc hợp pháp hóa dạy thêm ở nhà là điều nên làm. Còn hơn là để họ phải đi mưu sinh bằng nghề tay trái không liên quan tới sự nghiệp giáo dục.
Ghi nhận ý kiến thực thế, đại biểu quốc hội và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng học thêm là nhu cầu thực tế. Vì thế, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò, các bên đang đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.