Chuyên ngành đào tạo
Sự kiện hot
Tin nổi bật
Tin tức
Một số trường Đại học đề nghị bỏ xét tuyển sớm
Vừa qua, dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học năm 2025 đề xuất siết chỉ tiêu tuyển sinh sớm không quá 20%. Theo một số trường Đại học nên bỏ luôn xét tuyển sớm vì con số 20% không mang quá nhiều ý nghĩa cho việc tuyển sinh.
Một số trường Đại học đề nghị bỏ xét tuyển sớm
Vào ngày 6/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm về dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025. Theo đó, việc siết xét tuyển sớm ở các trường tối đa không quá 20% đang nhận nhiều ý kiến từ dư luận.
>>>> Cập nhật: Trước ngày 31/12 Bộ công bố phương án thi vào lớp 10 năm 2025
Bộ định nghĩa xét tuyển sớm là các đợt xét tuyển trước đợt chung của Bộ (sau kỳ thi tốt nghiệp THPT). Với 80% chỉ tiêu xét ở đợt chung, các trường vẫn được sử dụng nhiều phương thức (học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, chứng chỉ quốc tế...). Tuy nhiên, điểm chuẩn đợt sớm không thấp hơn đợt chung và phải quy đổi các phương thức về cùng một thang điểm.
Bộ cho rằng việc siết chặt xét tuyển sớm sẽ hạn chế được tình trạng các em lơ là việc học tập ở kỳ II năm lớp 12 và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thêm nữa, Bộ cho rằng các trường sẽ tuyển được thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Từ đó, giúp cho kỳ thi tuyển sinh Đại học có sự công bằng hơn.
Giám đốc Học viện Tài chính, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng cũng đồng tình với ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng, ông cho rằng có thể mạnh dạn bỏ xét tuyển sớm bởi với 20% chỉ tiêu đó không mang nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, để các trường tiếp tục tuyển bổ sung vào các đợt sau, Bộ đẩy thời gian xét tuyển đợt chung lên sớm hơn các năm trước.
Phó hiệu trưởng Đại học Duy Tân, TS Võ Thanh Hải cũng đồng ý với quan điểm trên.
Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công thương TP HCM, ông Phạm Thái Sơn nhìn nhận có thể gây lãng phí nguồn lực và thời gian cho cả các trường và thí sinh nếu như giảm tỷ lệ chỉ tiêu như đề xuất của Bộ.
"Với chỉ tiêu giới hạn ở mức thấp, Bộ bỏ đợt xét tuyển sớm cũng được", ông Sơn nói.
Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, PGS.TS Lê Thành Bắc cũng cho rằng thí sinh vẫn được đảm bảo công bằng, không ảnh hưởng đến các trường nếu áp dụng đồng bộ nếu như bỏ quy định xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu.
Khi học sinh giữ được quyết tâm tập trung vào kỳ thi thì việc bỏ đợt xét tuyển sớm cũng giúp kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT phản ánh đúng hơn chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đối với việc xét tuyển thẳng sớm các học sinh xuất sắc theo tiêu chí của Bộ, như có giải quốc gia, quốc tế thì nên giữ lại. Điều này sẽ giúp vinh danh các em có thành tích.
>>>> Xem ngay: Thí sinh trường THPT top đầu tỷ lệ chọn khối tự nhiên cao
Trong 5-6 năm vừa qua, phương thức xét tuyển sớm trở thành một trào lưu nhận được nhiều sự quan tâm. Năm 2024, trong số 322 trường đã có 214 trường xét tuyển sớm. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%). Vì có quá nhiều phương thức và tổ hợp, đầu vào một ngành có thể khác nhau nên điểm chuẩn từ kết quả thi tốt nghiệp THPT được đẩy lên cao.
Lãnh đạo của một trường Đại học cho hay việc bỏ xét tuyển sớm đối với các trường top đầu là không quá ảnh hướng. Thế nhưng, các trường top dưới sẽ khá lo lắng.
"Nhiều trường dự kiến xét tuyển sớm bằng cả học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế hay xét tuyển thẳng theo đề án riêng của trường. 20% là quá ít để các trường có thể thực hiện đa dạng phương thức trong đợt sớm", ông nói.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhìn nhận về vấn đề này và ông cũng cho rằng để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh thì cùng cần điều chỉnh xét tuyển sớm.
Theo ông Sơn, việc quy định các trường xét tuyển sớm tối đa 20% chỉ tiêu, điểm trúng tuyển của các phương thức phải được quy đổi tương đương về một thang chung là điều tương đối khó và cần nhiều thời gian bàn luận.
"Việc dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho xét tuyển sớm sẽ tác động ngược trở lại giáo dục phổ thông. Giờ đây, dù khó khăn, chúng ta vẫn phải làm, nhận cái khó về mình, làm sao để các trường và thí sinh được thuận lợi nhất", ông Sơn nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo đến 22/1/2025.
Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn cập nhật