Chuyên ngành đào tạo
Sự kiện hot
Tin nổi bật
Tin tức
Bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội kể lại hành trình cứu 2 thai nhi suýt phải bỏ cùng lúc
Song thai chỉ còn 10% cơ hội sống sót, trong đó một thai đã cạn sạch ối, bó sát vào cơ thể không thể thở.
Thai phụ Huỳnh Thị Linh, 27 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội được chẩn đoán thai đôi khi thai được 12 tuần tuổi, tuy nhiên 2 thai chung một bánh nhau.
Xác định đây là trường hợp hiếm gặp và nguy hiểm, bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội chỉ định thai phụ nhập viện để theo dõi. Từ đây, diễn biến của 2 bào thai xấu đi từng ngày, bác sĩ thông báo tỉ lệ giữ thai còn chưa tới 10%.
>>> Cập nhật thêm thông tin:
- Bệnh viện Nhi TW bị tố dùng thuốc kháng sinh hết hạn cho bệnh nhi
- Hà Nội ô nhiễm không khí nhất Thế giới, Bộ Y tế đưa ra những khuyến cáo đặc biệt
- Phía Bộ Y tế yêu cầu nhập khẩu thuốc Tamiflu
BS Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội cho biết, khi thai được 22 tuần tuổi, bác sĩ phát hiện có sự chênh lệch lớn về lượng nước ối giữa 2 thai. Trong đó, một thai hết sạch ối, bó chặt vào cơ thể mẹ như bị hút chân không khiến bé không thể thở, thai còn lại bị đa ối. Bản thân thai phụ rơi vào tình trạng khó thở, tức ngực.
Lúc này, các bác sĩ đứng trước quyết định vô cùng cân não, mổ cấp cứu cho sản phụ nhưng liệu có giữ được 2 thai? Nếu giữ thai sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và 2 thai do nuôi dưỡng tự thân của mẹ kém, dây rốn lại nằm ở mép của bánh nhau nên nuôi bào thai cũng kém.
Sau khi hội chẩn kĩ càng, ngày 21/10 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV và BS Sim quyết định can thiệp cho bệnh nhân.
Điểm khó là phải tìm được các mạch máu ở vị trí cân bằng trên cầu nối bánh nhau để đốt, tái thiết lập lại tuần hoàn cho 2 thai, giúp 2 thai có được dinh dưỡng đồng đều. Nếu để lệch, tính mạng của thai nhi sẽ khó giữ.
“Chúng tôi phải can thiệp khi cả 2 thai đều đang cử động. Nếu không khéo léo điều khiển, tia laser không thể vào được đúng vị trí mong muốn sẽ khiến bệnh tiếp tục tiến triển, gây nguy hiểm tính mạng cho 2 thai”, BS Sim chia sẻ.
Sau 40 phút can thiệp, cả 2 bào thai được bảo tồn và thai phụ tiếp tục nằm tại viện để theo dõi.
10 tuần sau can thiệp bào thai, bệnh nhân đã chuyển dạ và sinh thường 2 con gái với cân nặng lần lượt 1,8 kg và 1,7 kg.
PGS Ánh cho biết, hội chứng truyền máu song thai rất hiếm gặp với tỉ lệ 0,1-1,9/1.000 trẻ.
Trước đây, các trường hợp mang song thai mắc hội chứng này có tới trên 90% sẽ bị chết lưu, 10% trẻ được chào đời nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh lý rất nặng nề về thần kinh. Nhiều sản phụ đã phải mất con trong đau đớn kể cả khi được phát hiện bệnh lý vì không có cách nào cứu chữa.
Song hiện nay, nhờ kỹ thuật can thiệp bào thai, đã có 15 sản phụ tại BV Phụ sản Hà Nội được các bác sĩ can thiệp thành công.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vietnamnet.vn!