Tin tức

Thứ bảy: 18/01/2025 lúc 14:28
Lương Duy

Tiến tới môi trường giáo dục không dạy thêm, học thêm

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết việc hạn chế 3 nhóm đối tượng liên quan đến dạy thêm, học thêm trong nhà trường là bước tiến nhằm hướng tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn hoạt động này trong các trường học, theo quy định mới được ban hành.

Có học sinh không muốn vẫn phải đi học thêm

Về lý do hạn chế đối tượng được dạy thêm trong nhà trường và không được thu tiền của học sinh, ông Thành cho biết: "Dạy thêm, học thêm là do nhu cầu của cả người học lẫn người dạy. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt thực tế chúng tôi thấy rằng, cũng có bộ phận học sinh có nhu cầu và tự nguyện học thêm nhưng cũng có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh đang phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm”.

Tiến tới môi trường giáo dục không dạy thêm, học thêm

>>>> Xem ngay: Bộ Giáo dục giải thích lý do không cố định môn thi thứ 3 vào lớp 10

Bộ GD-ĐT không cấm việc dạy thêm mà tập trung vào tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các phương án quản lý phù hợp và hiệu quả. Hiện nay, các trường phổ thông đang triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó Bộ GD-ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn và các yêu cầu cần đạt nhằm đảm bảo kiến thức vừa sức với học sinh.

Đồng thời, Bộ cũng trao quyền tự chủ cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, giúp giáo viên chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy để đạt mục tiêu của chương trình 2018 là phát triển năng lực của học sinh. Do đó, về nguyên tắc, việc thực hiện đúng giờ học theo quy định sẽ giúp học sinh tiếp nhận đủ kiến thức và đạt được các yêu cầu cần thiết của chương trình.

Điểm mới trong thông tư lần này là Bộ GD-ĐT quy định 3 đối tượng không được thu tiền khi dạy thêm, học thêm trong trường, bao gồm: học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh. Nguyên nhân là do với chương trình hiện tại và đội ngũ giảng dạy đó. Nếu vẫn còn học sinh chưa đạt, nhà trường có trách nhiệm tổ chức dạy thêm, còn gọi là phụ đạo kiến thức. Thứ hai, việc dạy thêm chỉ áp dụng cho đối tượng học sinh được lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi. Số lượng học sinh này không nhiều và không phải một học sinh được lựa chọn sẽ học tất cả các môn, mà chỉ một số môn nằm trong kế hoạch của nhà trường. Thứ ba, học sinh lớp 9 và lớp 12 ôn thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp được phép học thêm tại trường. Tuy nhiên, việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp phải nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường do nhà trường tự quyết định, sắp xếp, bố trí và tuyệt đối không được thu tiền từ học sinh.

Với quy định này, một số trường có thể băn khoăn về khả năng vướng mắc. Thế nhưng thực tế nhà trường hoàn toàn có thể sắp xếp hợp lý giáo viên phụ trách các môn học để đảm bảo việc ôn thi, giúp học sinh củng cố và tổng hợp kiến thức. Đối với các môn học, việc dạy thêm không được vượt quá 2 tiết mỗi tuần. Bên cạnh đó, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách tự học, tự tìm tòi để nắm vững nội dung đã học trên lớp, tránh tình trạng học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả.

“Hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn theo chương trình, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc… Tôi tin rằng, những người làm nghề, tâm huyết với nghề, với thế hệ trẻ sẽ thấy điều này cần thiết. Dần dần, phụ huynh và cả xã hội cũng cần hướng tới điều đó, học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết", ông Thành bày tỏ.

Phải đăng ký kinh doanh theo quy định nếu dạy thêm có thu tiền của học sinh

Thông tư mới quy định một số nội dung quan trọng đó là: tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học sinh của mình trên lớp… Quy định đó nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên "kéo" học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Nếu học sinh không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, việc học thêm ngoài giờ là hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh và học sinh sẽ tự tìm hiểu và cân nhắc xem việc học thêm có mang lại giá trị gì, giúp học sinh tiến bộ hơn, hiểu sâu vấn đề hay không. Mong muốn học để giỏi hơn và phát triển bản thân là một nhu cầu chính đáng. Do đó, Bộ GD-ĐT không cấm việc dạy thêm ngoài trường học.

Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và công khai thông tin như địa điểm, môn học, thời lượng học, chi phí... Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật về giờ làm việc, an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ. Như vậy, những địa điểm nào khiến học sinh và phụ huynh tin tưởng, đáp ứng được nhu cầu sẽ nhận được sự lựa chọn từ các em và gia đình.

Thông tư không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu giáo viên có năng lực, nhiệt huyết và thực sự đem lại giá trị cho học sinh, chắc chắn sẽ có nhiều học sinh tìm đến để học. Thế nhưng, giáo viên được phân công giảng dạy học sinh trong trường không được dạy thêm với các em ngoài giờ học để tránh tình trạng giáo viên kéo học sinh ra ngoài học thêm, cắt giảm nội dung trên lớp để tập trung vào dạy thêm.

Cần thay đổi cả quy định lẫn nhận thức của người dân

Hiện nay, các yêu cầu về đề kiểm tra, đánh giá và thi cử đều phải tuân theo chuẩn chung của chương trình giáo dục. Tuy nhiên, phụ huynh lâu nay vẫn có tâm lý lo lắng rằng nếu con mình không học thêm sẽ thua kém so với bạn bè khác nên thường cố gắng cho con đi học thêm dù chưa chắc rằng việc đó mang lại hiệu quả. Trái lại, trong các kỳ thi, rất nhiều thủ khoa và á khoa đến từ các vùng nông thôn, có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng lại không tham gia học thêm. Việc cho rằng nhà trường không tổ chức ôn thi, chất lượng giảm sút hoặc không cung cấp ôn thi đại trà cho tất cả học sinh là chưa thỏa đáng.

Tiến tới môi trường giáo dục không dạy thêm, học thêm

>>>> Xem ngay: Nếu bỏ xét tuyển sớm thì các kỳ thi ĐGNL, ĐGTD, V-SAT bị ảnh hưởng như thế nào?

Hiện nay, có hai vấn đề cần được giải quyết đó là quy định pháp luật và nhận thức của người dân. Mặc dù cơ quan quản lý đã đưa ra những quy định cụ thể, nhưng nhận thức của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Dù vẫn còn áp lực thi cử vượt cấp và tuyển sinh đại học, việc mong muốn con mình đỗ vào một trường tốt là điều chính đáng. Dù vậy, phụ huynh ngày nay nên có nhận thức rõ ràng hơn về giá trị phát triển toàn diện cho con cái.

Kiến thức là vô cùng lớn, do đó chúng ta cần tập trung vào phương pháp học tập hiệu quả hơn là việc cố gắng nhồi nhét quá nhiều mà không mang lại kết quả thiết thực. Thực tế cho thấy có tình trạng phụ huynh và học sinh trong một giai đoạn nhất định chỉ tập trung luyện thi, nhồi nhét kiến thức đến kiệt sức, sau đó lại thả lỏng. Hoặc có những em khi trưởng thành, mặc dù nắm giữ một lượng kiến thức nhất định nhưng lại thiếu hụt nhiều kỹ năng sống quan trọng, gây thua thiệt trong cuộc sống thực tế.

Tiến tới một môi trường giáo dục không dạy thêm, học thêm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Việc hạn chế dạy thêm, học thêm không chỉ giúp giảm áp lực cho học sinh mà còn tạo điều kiện để các em tập trung vào việc học trên lớp và phát triển toàn diện.

Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp

Chia sẻ

Tin tức liên quan

02871060222