Tin tức

Thứ năm: 09/01/2025 lúc 15:42
Lương Duy

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Nhà Giáo

Ngày 8/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức phiên họp với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và các đơn vị liên quan nhằm lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Nhà Giáo. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội xem xét và thông qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Nhà Giáo

Phiên họp lần này nhằm rà soát các nội dung trong Dự thảo Luật Nhà giáo, tập trung vào việc tiếp nhận ý kiến từ các cơ quan, tổ chức có liên quan. Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu xây dựng một dự thảo hoàn chỉnh, sát thực tế và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo.

Tham dự cuộc họp có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh...

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh rằng Luật Nhà giáo đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để chuẩn bị trình Quốc hội. Bà cho biết, thời gian qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để rà soát, phân tích kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến chính sách. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Nhà Giáo

Theo bà Mai Hoa, ngoài các nội dung đã được cơ quan soạn thảo đề xuất, từ góc độ cơ quan thẩm tra, có hai vấn đề quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Thứ nhất, cần giải quyết triệt để các xung đột pháp luật có thể phát sinh khi ban hành Luật Nhà giáo, đặc biệt là những điểm chưa đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành. Thứ hai, cần đảm bảo rằng các chính sách được quy định trong luật không chỉ mang tính mới mẻ mà còn phải hợp lý, khả thi và đúng với mục tiêu, ý nghĩa mà Luật Nhà giáo hướng tới.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, Luật Nhà giáo hiện nhận được sự đồng thuận từ các đại biểu Quốc hội và sự quan tâm tích cực của dư luận xã hội. Do đó, các chính sách trong luật cần mang tính đột phá, tập trung tháo gỡ những bất cập hiện có, đồng thời đảm bảo hài hòa quyền lợi và trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo.

Phó Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, bà Phùng Thị Phú, bày tỏ sự đồng thuận cao với những chỉnh lý trong Dự thảo Luật Nhà giáo. Bà cho biết, Quân đội đã nhiều lần đóng góp ý kiến cả trực tiếp lẫn bằng văn bản và luôn ủng hộ việc sớm ban hành Luật này. Theo bà, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội có đặc thù riêng, vừa phải tuân thủ các quy định áp dụng cho quân nhân, vừa thực hiện các quy định chung đối với nhà giáo. Do đó, cần sớm xây dựng dự thảo Nghị định riêng dành cho nhóm đối tượng này để các cơ quan quản lý trong Quân đội có căn cứ thực hiện hiệu quả khi Luật Nhà giáo chính thức đi vào áp dụng.

Đại diện cho các nhà giáo trong hệ thống đào tạo lý luận chính trị, đại biểu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị cần có định nghĩa xác đáng, bao quát, đảm bảo quyền lợi của các đối tượng nhà giáo này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật Nhà Giáo

Tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính nhận định rằng việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là một nhiệm vụ phức tạp và mới mẻ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều bước nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, đồng thời có các đánh giá liên quan đến khía cạnh tài chính. Để Luật Nhà giáo có tính khả thi cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đặc biệt chú trọng đến việc xác định rõ các nguồn lực đảm bảo thực hiện, kèm theo đó là những phân tích sâu về tác động tài chính đối với từng chính sách được đề xuất.

Kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ lời cảm ơn và trân trọng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, thời gian qua, các bộ, ngành và cơ quan liên quan đã tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Ban soạn thảo để xây dựng và hoàn thiện từng nội dung trong dự thảo. Ông kỳ vọng các bộ, ngành, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành, đóng góp thêm ý kiến để hoàn thiện hơn các điều khoản, chính sách trước khi Dự thảo Luật Nhà giáo được trình lên Quốc hội trong thời gian sắp tới.

Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp

Chia sẻ

Tin tức liên quan

Địa điểm tổ chức thi Đánh giá năng lực 2025 mới nhất

Địa điểm tổ chức thi Đánh giá năng lực 2025 mới nhất

Kỳ thi Đánh giá năng lực là kỳ thi thu hút được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm. Ngoài thời gian, lệ phí thì địa...
Tăng cường kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 – 2035

Tăng cường kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 – 2035

Đuối nước là một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa đến tính mạng của trẻ em. Vì vậy, tăng cường giáo dục kiến thức,...
02871060222