Chuyên ngành đào tạo
Sự kiện hot
Tin nổi bật
Tin tức
Tăng cường kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 – 2035
Đuối nước là một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa đến tính mạng của trẻ em. Vì vậy, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh là điều vô cùng cần thiết.
Tăng cường kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2035
Ngày 8 tháng 1 năm 2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1717/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 – 2035.
Chương trình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn đuối nước, nhất là trong đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. Theo thông kê, đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại Việt Nam. Do đó, việc triển khai một chương trình tổng thể và bài bàn là rất cần thiết.
>>>> Mách bạn: Danh sách địa điểm thi Đánh giá năng lực, tư duy năm 2025
Đến năm 2035, 90% học sinh được thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước
Chương trình phấn đấu đến năm 2030, truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh cho 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan. Đến năm 2035, tỷ lệ này cần đạt 100%.
Đến năm 2030, học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước cần đạt 70%. Vào năm 2035, tỷ lệ này nâng lên 90%.
Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học có bể bơi
Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học, 25% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả. 70% xã/phường/thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn.
Đến năm 2030, mỗi trường có ít nhất 02 giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng nhận và có đầy đủ năng lực để tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh và đạt ít nhất 03 giáo viên vào năm 2035.
Các giải pháp trọng tâm
>>>> Cập nhật: Việt Nam đặt mục tiêu 5 Đại học lọt top 500 thế giới vào năm 2030
Phát triển chương trình giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước trong nhà trường
- Lồng ghép giáo dục phòng, chống đuối nước vào chương trình học chính khóa và ngoại khóa: Tổ chức các buổi học lý thuyết về nhận biết nguy cơ đuối nước, kỹ năng ứng phó tình huống khẩn cấp.
- Thực hành kỹ năng bơi và cứu hộ cơ bản: Đưa các buổi thực hành bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất tại trường học.
- Xây dựng tài liệu giảng dạy hiện đại: Soạn thảo giáo trình, video hướng dẫn phù hợp với từng độ tuổi và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Tăng cường cơ sở vật chất và nguồn nhân lực
- Đầu tư xây dựng hồ bơi trường học: Xây dựng hệ thống hồ bơi cố định và bể bơi di động tại các trường học, ưu tiên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Huy động xã hội hóa: Kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển cơ sở vật chất và tài liệu đào tạo.
- Đào tạo giáo viên và huấn luyện viên: Tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên thể chất, hướng dẫn viên bơi lội chuyên nghiệp, có khả năng giảng dạy kỹ năng an toàn nước.
Đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức
- Tổ chức chiến dịch truyền thông: Sử dụng mạng xã hội, truyền hình và các phương tiện truyền thông để lan tỏa thông điệp về phòng, chống đuối nước.
- Phối hợp với gia đình và cộng đồng: Khuyến khích phụ huynh tham gia các lớp tập huấn về an toàn nước để hỗ trợ con em.
Giám sát và kiểm soát rủi ro tại các khu vực có nguy cơ cao
- Rà soát và lắp đặt biển cảnh báo: Biển cảnh báo cần được lắp đặt tại các khu vực nguy hiểm như sông, hồ, ao và khu vực thường xuyên xảy ra đuối nước.
- Tăng cường quản lý: Chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong quá trình triển khai lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình này với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án khác của Chính phủ và địa phương.
Phối hợp giữa các Bộ
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ GDĐT chỉ đạo, triển khai Chương trình lồng ghép với các chương trình, dự án về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Tăng cường vai trò điều phối, phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Tiếp tục chủ trì, tổ chức triển khai Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Bộ Y tế chủ trì hướng dẫn về sơ cấp cứu đuối nước và phương tiện, thiết bị sơ cấp cứu đuối nước tại các bể bơi. Chỉ đạo y tế các tuyến phối hợp với ngành Giáo dục hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người làm công tác y tế trường học về phòng, chống tai nạn thương tích, sơ cấp cứu ban đầu đuối nước.
Giai đoạn 2025 - 2035 là giai đoạn quan trọng để chuyển hóa các cam kết trong Quyết định 1717/QĐ-TTg thành hành động cụ thể và hiệu quả. Thông qua sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, nhà trường, gia đình và cộng đồng, việc giáo dục kiến thức và kỹ năng phòng, chống đuối nước không chỉ bảo vệ trẻ em mà còn xây dựng một thế hệ trẻ tự tin, có khả năng sinh tồn và góp phần tạo nên một xã hội an toàn, phát triển bền vững.
Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp