Chuyên ngành đào tạo
Sự kiện hot
Tin nổi bật
Tin tức
Chỉ còn 1 - 2 ngày lo hậu sự, người đàn ông Hà nội sống lại nhờ lá gan mới
Tình trạng của anh Hoàn vô cùng nguy kịch, bác sĩ thông báo chỉ còn sống được 1-2 ngày nữa nếu không ghép gan.
Anh Nguyễn Tiến Hoàn, 40 tuổi ở Hà Nội vốn có tiền sử viêm gan B nhưng uống thuốc điều trị không đều.
Tháng 10 vừa qua, sau chuyến công tác trở về, anh thấy trong người mệt mỏi nhiều. Gia đình đã đưa anh vào BV Nhiệt đới TƯ để điều trị. Tại đây, dù được điều trị tích cực nhưng tình trạng của anh ngày càng nặng.
>>> Cập nhật thêm thông tin:
- Người mẹ ngất lịm khi con chào đời với 2 đầu 3 tay
- Nữ sinh ĐH Ngoại thương mắc căn bệnh ung thư xúc động khi được Thủ tướng gửi thư động viên
- Bác sĩ Việt cứu sống trái tim của em bé Lào
Bác sĩ thông báo, anh bị suy gan cấp trên nền viêm gan mãn tính, nhiễm khuẩn, chỉ định ghép gan. Sau đó, anh Hoàn được chuyển sang BV TƯ Quân đội 108 để ghép gan.
TS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tụy, BV 108 cho biết, đây là ca ghép rất đặc biệt do các ca ghép gan thông thường đều được chuẩn bị theo kế hoạch, riêng trường hợp bệnh nhân Hoàn là ca ghép gan cấp cứu, được thực hiện từ người cho sống là người thân trong gia đình nên mọi công đoạn chuẩn bị vô cùng gấp rút.
Khi chuyển đến BV 108, bệnh nhân bị suy gan cấp có hội chứng não gan, viêm phổi, có tình trạng xuất huyết dưới da rất nặng, rối loạn đông máu, rối loạn chảy máu. Với diễn biến bệnh như vậy nếu không ghép gan, người bệnh sẽ chỉ sống trong vòng 1 -2 ngày.
“Do đó, chúng tôi phải hội chẩn cấp cứu, ghép gan cấp cứu xuyên đêm, chạy đêm từng giờ để cứu bệnh nhân. Cuối cùng ca ghép đã thành công sau 14 giờ căng thẳng”, TS Thành thông tin.
Sau ghép 2 ngày, bệnh nhân đã tỉnh lại và sau hơn 1 tháng điều trị tại viện, bệnh nhân đã được xuất viện.
Tỉnh dậy sau ca ghép gan, anh Hoàn chia sẻ: “Tôi thấy rất hạnh phúc, cảm giác như mình vừa có một giấc ngủ dài. Cha mẹ đã sinh ra tôi, giờ tôi được tái sinh thêm lần nữa để có cuộc sống mới. Khoẻ lại, tôi lại thấy thương cha mẹ mình nhiều hơn”.
TS Thành khuyến cáo, với những bệnh nhân viêm gan B, cần uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, tránh bỏ thuốc hoặc uống không thường xuyên để hạn chế tình trạng bùng phát của viêm gan B thành đợt cấp.
Khi bị suy gan cấp trên nền viêm gan mạn tính, ghép gan là biện pháp điều trị hiệu quả nhất, nếu không ghép, nguy cơ tử vong lên tới 80%.
Hiện nay, nhu cầu ghép gan tại Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng, ước tính có khoảng 1.500 người đang chờ ghép gan.
Để ghép gan, bệnh nhân cần có gan hiến từ người cho chết não hoặc gan lành của người khoẻ mạnh.
Ngoài BV 108, các BV lớn như Việt Đức, 103, Chợ Rẫy, BV TƯ Huế... cũng đã làm chủ được kĩ thuật này, tuy nhiên chi phí ghép gan tương đối lớn.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vietnamnet.vn!